Ngược lại với sự thấp thoáng, hư ảo của Diễm, Dao Ánh bước vào đời Trịnh như một biểu tượng về tình yêu và những khoảnh khắc vĩnh cửu của tình yêu.
Sau mối lương duyên đứt gánh với cô chị, Dao Ánh đã viết thư chia sẻ, an ủi cùng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tình cảm của hai người cũng dần nảy nở từ đó. Sau nhiều bức thư tay bí mật viết cho nhau, lời yêu vẫn chưa thành. Cho đến năm 1966, Dao Ánh mới chấp nhận tình cảm này. Khi đó, Dao Ánh là cô nữ sinh Huế 16 tuổi, còn nhạc sĩ 25 tuổi, đang dạy tại thành phố B'lao (nay là Bảo Lộc - Lâm Đồng).
Ngược lại với sự thấp thoáng, hư ảo của Diễm, Dao Ánh bước vào đời Trịnh như một biểu tượng về tình yêu và những khoảnh khắc vĩnh cửu của tình yêu.
Khi lần đầu tiên hé lộ những bức thư tình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết gửi Dao Ánh, công chúng từng trầm trồ khi phát hiện ra, Trịnh Công Sơn là người đàn ông viết thư tình hay như thế nào. 300 bức thư được ví như “thư tình của mọi bức thư tình”.
Suốt 37 năm, Trịnh Công Sơn đã viết 300 lá thư cho Dao Ánh, nhất từ năm 1964 đến 1967, khi ông ở Bảo Lộc. Ông còn sáng tác nhạc tặng người tình như: Mưa hồng, Còn tuổi nào cho em, Ru em từng ngón xuân nồng, Lời buồn thán.
Trong bức thư viết năm 1964, Trịnh Công Sơn dỗ dành người yêu giận dỗi.
“...Anh hát lại bản Mưa hồng mà anh đã viết cho những ngày tháng Ánh giận anh ở Huế. Bản nhạc hát lại bỗng thấy buồn hơn. Có lẽ Ánh chưa nghe bản ấy vì từ dạo đó về sau anh chỉ gặp Ánh một hai lần gì đó rất ngắn và bặt tăm luôn. Có lẽ anh sẽ đổi lại đầu đề Tuổi đá buồn. Ánh nghĩ sao?
Ánh có giận gì anh mà lâu thế anh không được tin. Hãy viết thư cho anh dù rất ngắn cũng được. Anh mong lắm.
***
Ánh ơi. Anh đang nhớ và mong tin Ánh. Có lẽ giờ này Bạch Yến cũng đang hát Lời buồn thánh cho đêm chủ nhật. Anh nhác quá nên không ra phố giờ này. Có lẽ phố cũng vui vì đã trưng bày đồ Noel rồi.
Anh xin đi ngủ. Giấc ngủ sẽ xóa bớt những buồn phiền đi. Anh mong thế. Ánh ơi Ánh ơi”.
Dù tình cảm thắm thiết nhưng trong nhiều bức thư, Trịnh Công Sơn vẫn hoài nghi về cái kết hạnh phúc. Khi niềm tin mong manh vỡ vụn, ông chủ động nói lời chia tay. “Anh xin cảm ơn bốn năm ròng rã nâng niu tình yêu đó. Cũng xin cảm ơn những buổi đợi chờ thật dịu dàng không bao giờ còn có được”.
Chuyện tình của họ tan vỡ vào năm 1967, Dao Ánh sang Mỹ học tập, lập gia đình và vẫn giữ liên lạc với gia đình nhạc sĩ. 20 năm xa cách, Dao Ánh về Việt Nam gặp lại người xưa. Cuộc hội ngộ ấy là cảm hứng cho Trịnh Công Sơn sáng tác bài Xin trả nợ người với ca từ sâu lắng: “Hai mươi năm xin trả nợ dài, trả nợ một đời em đã phụ tôi”.
Trước khi mất, vào ngày 17/1/2001, ông nằm trên giường bệnh, không còn sức lực nên đã nhờ người gõ thư qua email để hỏi thăm Dao Ánh. Đây là lá thư cuối cùng ông viết cho bà.Sau khi trở về Mỹ, Dao Ánh ly dị chồng. Những năm tháng cuối đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, bà thường bay về Việt Nam để chăm sóc người tình xưa. Có lẽ đây là mối tình sâu đậm, day dứt nhất của cố nhạc sĩ.
"Ngày 17 tháng 1 năm 2001
From: trinhcongson trinhcongson@tlnet.com.vn
To: anhv@pocketmail.com
Date: Wednesday, January 17, 2001 11:30 AM
Subject: Thư cho Dao Ánh
Dao Ánh,
Lâu quá không có tin tức gì của Ánh, không biết tình hình đời sống thế nào?
Nhân năm mới chúc Ánh có được những niềm vui mới. Bao giờ thì có thể thu xếp về Việt Nam được? Vừa rồi đường lên cao đột ngột, mình phải vào bệnh viện, hiện đã về nhà chích thuốc, điều chỉnh lại lượng đường trong máu. Bao giờ đường ổn định thì mới tính đến chuyện đi xa được.
Trinh về lại đây có kể lại chuyện ở lại nhà Ánh. Rất vui nghe nói Ánh sức khỏe bình thường mình cũng ngủ yên tâm. Càng sống, càng thấy có được một cuộc sống luôn luôn bình thường là điều may mắn lắm rồi. Cố gắng tìm niềm vui trong những điều nhỏ nhặt nhất để cảm thấy đời nhẹ nhàng hơn, thanh thản hơn.
Lâu nay có điều kiện đi du lịch đâu xa không? Có đầy đủ sức khỏe để đi được nơi này nơi nọ là quý lắm. Mình lúc này quá lời, nên chuyến đi xa không hề nghĩ đến.
Mong gặp lại Ánh ở Sài Gòn trong những ngày sắp tới.
Một lần nữa, chúc Ánh có được một cái Tết thú vị, dù chỉ một mình hay với nhiều người."
Năm 2017, trong dịp kỷ niệm 16 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - Thư tình gửi một người, Dao Ánh đã gửi thư cho chị Trịnh Vĩnh Trinh – em gái của cố nhạc sĩ, kèm theo đó là những bức ảnh còn trẻ của bà.
Giai thoại kể lại, những năm cuối đời, khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trở bệnh nặng. Bà Dao Ánh thường đi về Việt Nam chăm sóc ông.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh tiết lộ, khi đoàn làm phim “Em và Trịnh” bắt tay vào dự án, họ mất 2 năm để tìm kiếm tư liệu, gặp lại bạn bè, những giai nhân đi qua đời Trịnh. “Chúng tôi đã cố gắng liên lạc với các nhân vật có thật, những bóng hồng đã để lại dấu ấn trong đời nhạc sĩ, nhưng duy nhất chỉ có cô Dao Ánh lên tiếng, hỗ trợ đoàn phim nhiệt tình. Tôi hoàn toàn hiểu quyết định của những người khác. Tôi tôn trọng điều đó. Bây giờ, họ đều đã có cuộc sống mới.
Nói gì về Trịnh đi nữa cũng sẽ có ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc sống hiện tại. Chúng tôi nhận được sự hỗ trợ lớn nhất từ cô Dao Ánh. Năm 2020 cô về Việt Nam, cô kể chuyện và cung cấp cho chúng tôi rất nhiều tư liệu. Dao Ánh nói rằng, nếu không phải bây giờ, nếu không phải cô, sẽ không có ai và không bao giờ những ký ức cũ, chuyện cũ được kể lại”.
Đạo diễn “Em và Trịnh” khẳng định, chính nhờ những tư liệu, chuyện kể của bà Dao Ánh, bộ phim đã được hoàn thiện hơn, giàu cảm xúc hơn, chân thực hơn khi tiếp cận về Trịnh.
PV (t/h)